Blouse trắng nơi tâm dịch
Lượt xem: 716

BPO - Hơn một năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế thành phố Đồng Xoài đã nỗ lực cùng với lực lượng tuyến đầu ngày đêm thầm lặng chống dịch. Trong đó sáng lên tinh thần tình nguyện của những “chiến sĩ áo trắng” không quản ngại khó khăn, gian khổ và cả nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, lặng lẽ cống hiến sức mình thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trưởng thành qua bão dịch

“Khoác chiếc áo blouse trắng là mang trên mình một sứ mệnh”. Đó là suy nghĩ chân thật, bình dị của bác sĩ Nguyễn Minh Đức (ảnh, SN 1987), Trưởng khoa An toàn vệ sinh thực phẩm, y tế công cộng và dinh dưỡng (Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài) khi tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 của thành phố. Hôm nay trong cuộc sống “bình thường mới”, nhìn lại những tháng ngày “lăn xả” không biết mệt mỏi cùng lực lượng phản ứng nhanh của thành phố tham gia trên mọi mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, bác sĩ Đức mới cảm nhận mình trưởng thành hơn rất nhiều cả trong suy nghĩ và hành động. Chuyến đi tình nguyện với vai trò là Đội trưởng Đội tình nguyện thành phố Đồng Xoài hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại tỉnh Bình Dương thời điểm dịch bệnh căng thẳng năm 2021 vừa là dịp để bác sĩ Đức phát huy tính tiên phong và năng lực sở trường của mình cũng như học tập và vận dụng những kinh nghiệm hay khi tham gia tuyến đầu chống dịch. 

Vào những ngày dịch bùng phát, khối lượng công việc nhiều nên tất cả y, bác sĩ, nhân viên y tế của Trung tâm Y tế thành phố phải làm việc không kể ngày đêm. Đảm nhận nhiệm vụ với vai trò tổ trưởng, tổ phó của các tổ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm thuộc lực lượng phòng, chống dịch thành phố, bác sĩ Đức đã có những tham mưu kịp thời và hữu ích trong xử lý các tình huống dịch bệnh cho Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. 

“Có những thời điểm, một ngày tôi và các anh chị em trong đội chỉ chợp mắt được 1-2 giờ, có những đêm thức trắng để thực hiện nhiệm vụ. Và đằng sau lớp khẩu trang, những bộ đồ bảo hộ kín mít vẫn là sự nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc của y, bác sĩ, nhân viên y tế. Tôi nhận thấy mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm của dịch bệnh đều để lại những kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Và với tôi, dù vất vả đến đâu cũng phải giữ cho mình năng lượng tích cực, mà trên hết là làm việc bằng cái tâm của bác sĩ” - bác sĩ Đức chia sẻ.

Lặng thầm tuyến sau

Với nhiều người, nhân viên y tế cơ sở chỉ làm những công việc như tiêm vắc xin cho trẻ, thực hiện công tác dự phòng trong các chương trình mục tiêu quốc gia tại trạm y tế... nhưng đó là chuyện của ngày trước. Hiện nay, khi dịch Covid-19 bùng phát thì nhân viên y tế cơ sở phải gánh vác rất nhiều việc. Với Nguyễn Thị Hải Lý (ảnh, SN 1980), nhân viên Trạm Y tế phường Tân Bình (TP. Đồng Xoài) thì trong mọi hoàn cảnh, công việc đều giữ được tinh thần trách nhiệm để làm tốt nhiệm vụ. Trong khoảng từ tháng 8-2021 và những tháng sau đó khi dịch bệnh ở giai đoạn cao điểm, chị Lý đều tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương khi được huy động bất kể ngày hay đêm.

Thời điểm đó hầu như đến ca tôi trực là có trường hợp xét nghiệm dương tính với Covid-19, đồng nghiệp hay nói vui là tôi có duyên bắt Covid-19. Có người hỏi tôi có sợ lây nhiễm khi tham gia hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 không, công việc mà trước đây trong chuyên môn tôi chưa từng có kinh nghiệm. Nếu sợ thì tôi đã không làm và khi đã nhận nhiệm vụ thì phải làm tròn trách nhiệm.

Chị Nguyễn Thị Hải Lý, nhân viên  Trạm Y tế phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài

Đảm nhận nhiệm vụ phân công của trạm, chị Lý trở thành thành viên tích cực tham gia trực chốt phòng, chống dịch của thành phố với nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho lái xe các phương tiện vận chuyển vào địa bàn. Đây có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của chị trong gần 20 năm công tác trong ngành y. Công việc gần như không có thời gian trống, những ngày không trực chốt thì chị tham gia hỗ trợ tiêm vắc xin cho công nhân trong các khu công nghiệp, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng… Gặp chị vào thời điểm đó, mọi người không nhìn thấy ở chị sự mệt mỏi dù có những đêm trực chốt chị thức trắng không ngủ, thay vào đó là tinh thần lạc quan, vui tươi và luôn nhiệt tình với công việc. 

Họ là những “chiến sĩ áo trắng” đã làm việc hết mình bằng cái tâm và sự nhiệt huyết với công việc. Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, xin chúc cho những trái tim tình nguyện vì cộng đồng, vì sức khỏe nhân dân luôn cháy mãi ngọn lửa nhiệt thành, tâm huyết trong công việc, vì sức khỏe người bệnh.

                                                                                                                                                                                                          Nguồn: Nhã Trâm (Báo Bình Phước)

  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0